Các nhóm nhạc và nhạc sĩ tiên phong Nhạc_tiền_chiến

Đặng Thế Phong

Nguyễn Xuân Khoát

Được xem như người anh cả trong tân nhạc Việt Nam. Nguyễn Xuân Khoát tuy sáng tác không nhiều vào thời kỳ tiền chiến nhưng những sáng tác của ông lại làm nên những mốc giá trị. Trước khi tác phẩm đầu tay là Bình minh ra đời, ông đã có nhiều bài khảo cứu hay thuyết trình cho sự cải cách nhạc Việt, được đăng nhiều kỳ trên báo Ngày nay của Tự Lực Văn Đoàn. Tác phẩm Màu thời gian của ông phổ thơ Đoàn Phú Tứ, vừa ra đời đã được hoan nghênh lớn.

Lê Thương

Nhạc sĩ Lê Thương khi đó dạy học ở Hải Phòng. Ông là một trong những người có sáng tác sớm nhất. Lê Thương cùng Hoàng Quý, Hoàng Phú (tức nhạc sĩ Tô Vũ), Phạm Ngữ, Canh Thân tụ họp thành 1 nhóm ca nhạc sĩ trẻ để bắt đầu sáng tác và hát phụ diễn cho những buổi diễn kịch nói của nhóm kịch Thế Lữ. Ông đã để lại nhiều ca khúc, đặc biệt là những bài truyện ca bất hủ như Bản đàn xuân, Nàng Hà Tiên, Một ngày xanh, Thu trên đảo Kinh Châu và Hòn vọng phu.

Văn Cao

Văn Cao cũng ở Hải Phòng. Ban đầu ông thuộc nhóm Đồng Vọng của Hoàng Quý và có những sáng tác đầu tay như Buồn tàn thu, Vui lên đường. Năm 1941, Văn Cao lên Hà Nội, ông đã viết những nhạc phẩm giá trị vượt thời gian như Trương Chi, Thiên Thai, Suối mơ, Bến xuân... Sau đó Văn Cao tham gia Việt Minh và viết Tiến quân ca năm 1944Trường ca Sông Lô năm 1947.

Đặng Thế Phong

Đặng Thế Phong thuộc nhóm Nam Định, nhưng ông sớm rời bỏ thành phố để lên Hà Nội. Đầu 1941 Đặng Thế Phong vào Sài Gòn rồi sang Campuchia. Cuối 1941 ông trở lại Hà Nội và mất vào năm 1942 bởi bệnh lao. Đặng Thế Phong chỉ để lại 3 nhạc phẩm Đêm thu, Con thuyền không bếnGiọt mưa thu. Các sáng tác của ông được xem là tiêu biểu cho dòng nhạc tiến chiến và có ảnh hưởng đến những nhạc sĩ sau đó.

Phạm Duy

Ban đầu là ca sĩ của gánh hát Đức Huy, nên Phạm Duy còn được xem như một trong những người đầu tiên đem thể loại nhạc này đi phổ biến khắp mọi miền đất nước. Phạm Duy gia nhập làng nhạc sĩ năm 1942 với bài Cô hái mơ, phổ thơ Nguyễn Bính, tiếp đó là những bản nhạc lãng mạn như Cây đàn bỏ quên, Tình kỵ nữ, Tiếng bước trên đường khuya hay đậm chất dân ca như Em bé quê, Tình ca, Bà mẹ quê, Gánh lúa...Phạm Duy và Văn Cao là 2 người bạn thân nên thường giúp đỡ nhau trong nghề, họ từng sáng tác chung các ca khúc Bến xuân, Suối mơ.

Phạm Duy là người có công đầu trong việc đem chất dân ca vào tân nhạc, điều này khiến nhạc cải cách xích lại gần với tầng lớp nông dân, dân nghèo.

Nhóm Myosotis

Myosotis có nghĩa là hoa lưu ly, nhóm nhạc này gồm các nhạc sĩ Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Phạm Văn Nhượng, Trần Dư, Vũ Khánh... trong đó hai thành viên quan trọng nhất là Thẩm Oánh và Dương Thiệu Tước. 2 xu hướng chính của nhóm là:

  • Sáng tác nhạc mới nhưng có âm hưởng nhạc dân tộc do Thẩm Oánh chủ trương.
  • Sáng tác hoàn toàn theo nhạc ngữ Tây phương do Dương Thiệu Tước chủ trương.

Từ 1938 cho tới 1942, nhóm Myosotis với hai nhạc sĩ chính Thẩm Oánh và Dương Thiệu Tước đã để lại nhiều nhạc phẩm giá trị, phần lớn theo phong cách trữ tình lãng mạn.

Nhóm Tricéa

Nhóm Tricéa gồm 3 thành viên Văn Chung, Lê YênDoãn Mẫn. Tên nhóm Tricéa có nghĩa: 3 chữ C và 3 chữ A được viết tắt từ tiếng Pháp: Collection Des Chants Composés Par Des Artistes Annamites Associés: "Tuyển chọn các tác phẩm âm nhạc của nhóm người viết nhạc Annam".

Những năm khoảng 1939, nhiều ca khúc của nhóm được quần chúng yêu thích như: Ca khúc ban chiều, Trên thuyền hoa, Bóng ai qua thềm của Văn Chung; Biệt ly, Sao hoa chóng tàn, Tiếng hát đêm thu của Doãn Mẫn; Bẽ bàng, Xuân nghệ sĩ hành khúc, Ngựa phi đường xa, Vườn xuân của Lê Yên. Cả ba nhạc sĩ của Tricéa đều thành công, trong đó hơn cả là Doãn Mẫn. Họ đã để lại nhiều nhạc phẩm giá trị, một số trong đó được đánh giá vượt thời gian.

Nhóm Đồng Vọng

Nhóm Đồng Vọng được thành lập năm 1939 bởi nhạc sĩ Hoàng Quý, xuất phát từ những tráng sinh biết âm nhạc của phong trào Hướng đạo. Xuất hiện ngay từ những năm đầu, gồm nhiều nhạc sĩ tên tuổi Phạm Ngữ, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Canh Thân và Hoàng Phú (tức Tô Vũ), Đồng Vọng mở ra dòng nhạc hùng trong tân nhạc Việt Nam.

Ngoài những bản hùng ca viết cho thanh niên, phong trào khỏe và hướng đạo, nhóm Đồng Vọng còn để lại nhiều bản tình ca khác. Cùng với nhóm Nhóm Tổng Hội Sinh Viên của Lưu Hữu Phước, Đồng Vọng đã có những ảnh hướng lớn tới tân nhạc Việt Nam.

Nhóm Tổng Hội Sinh Viên

Tổng Hội Sinh Viên được thành lập bởi nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Cùng với nhóm Đồng Vọng, Tổng Hội Sinh Viên mở ra dòng nhạc hùng trong tân nhạc Việt Nam, nhưng so với Đồng Vọng thì Tổng Hội Sinh Viên mang tính chính trị nhiều hơn.

Tổng Hội Sinh Viên được khởi đầu trong nhóm sinh viên ở Hà Nội trong đó nhiều sinh viên miền Nam tỏ ra có khả năng văn nghệ. Tổng Hội Sinh Viên chú trọng đặc biệt đến việc dùng Tân nhạc trong việc đấu tranh chính trị chống PhápNhật. Lưu Hữu Phước cùng với nhóm sinh viên trong Tổng Hội đã tung ra nhiều ca khúc giá trị khơi dậy lòng yêu nước trong dân chúng, đặc biệt là những học sinh, sinh viên. Những ca khúc như Tiếng gọi sinh viên, Hồn tử sĩ, Bạch Đằng giang, Ải Chi Lăng, Hội nghị Diên Hồng, Hờn Sông Gianh... đã để lại dấu ấn trong lịch sử tân nhạc Việt Nam.